Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 11 năm 2021, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), gồm 9 nghị định của Chính phủ và 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Nghị định đổi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; sửa quy định về sở hữu, đồng sở hữu, thuê cửa hàng xăng dầu; sửa đổi quy định về mức biến động giá cơ sở giữa 2 kỳ điều hành giá liên tiếp cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung công thức tính giá cơ sở đối với xăng sinh học;…
Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Trong đó, Nghị định sửa đổi tỉ lệ chi từ nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy để tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, theo đó: Tăng tỉ lệ chi cho hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy từ 40% lên 65%; giảm tỉ lệ chi cho tuyên truyền, hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ cháy, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, khen thưởng công tác phòng cháy và chữa cháy từ 60% xuống 35%.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và trách nhiệm của Bộ Công an trong việc ghi hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận phí bảo hiểm theo quy định.
Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định quy định phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, nghiên cứu lâm sàng, lưu hành, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, quảng cáo trang thiết bị y tế; quản lý giá trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, về mức tạm ứng, Nghị định quy định mức tạm ứng không vượt quá 30% giá trị hợp đồng, thấp hơn quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (50% giá trị hợp đồng) để hạn chế rủi ro cho ngân sách nhà nước, giảm số dư tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích vốn tạm ứng từ nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, gắn việc tạm ứng vốn phải phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng, khả năng bố trí vốn hằng năm.
Về quản lý, thanh toán vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, đối với dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, việc kiểm soát, thanh toán vốn thực hiện tại Kho bạc Nhà nước như vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.
Đối với dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tạo chủ động, Nghị định này cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập có thể lựa chọn Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại làm cơ quan kiểm soát, thanh toán (phù hợp với quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).
Nghị định số 100/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Nghị định bổ sung quy định về thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả; thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, làm căn cứ để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định thời hiệu xử phạt, mức phạt và thời gian thi hành biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP.
Phân chia mức xử phạt đối với hành vi trích dẫn không ghi rõ nguồn thông tin thống kê và hành vi không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm quy định tại Điều 13 của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP bằng mức phạt cảnh cáo và phạt tiền. Tương tự tại Điều 14 của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP phân chia mức xử phạt đối với hành vi để hư hỏng phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê.
Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung về điều kiện hưởng về chính sách hỗ trợ đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.
Sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng nới lỏng các điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình mới “thích ứng linh hoạt” (bao gồm cả người lao động phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần; có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; bố trí lại sản xuất lao động; áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19);…
Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Quyết định quy định cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh số; đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ; đối với người hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ./.
Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”