Hỏi – Đáp

Hỏi: Thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải qua xét hoặc thi ?

Người hỏi Phạm Văn Tuân – Đắk Nông

Cập nhật lúc: 08/12/2021 09:36

Chi tiết câu hỏi :

Tôi là giáo viên THCS, căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã đủ các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian giữ hạng II và các tiêu chuẩn khác. Tôi xin hỏi, khi chuyển hạng giáo viên THCS theo quy định mới tôi có được bổ nhiệm lên giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.30) không, hay phải qua xét tuyển, thi tuyển? Đơn vị cơ quan nào sẽ tổ chức xét hoặc thi?

Trả lời :

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Việc bổ nhiệm giáo viên THCS thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập, theo đó:

Trường hợp ông Tuân đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.10) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.30) nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.30) quy định tại Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT.

Trường hợp ông đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) nếu đạt các tiêu chuấn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) quy định tại Điều 4 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT.

Để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.30) ông cần phải tham gia kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS và được xác định là người trúng tuyển.

Hỏi: Giáo viên thể dục dạy online có được thanh toán tiết thực hành?

Người hỏi Thanh Thủy

Cập nhật lúc: 29/11/2021 08:48

Chi tiết câu hỏi :

Tôi là giáo viên thể dục, do ảnh hưởng dịch, tôi phải dạy online. Vì đặc thù bộ môn nên dù dạy online tôi vẫn phải dạy thực hành, quay video. Khi thanh toán chế độ, nhà trường cắt chế độ bồi dưỡng tiết dạy thực hành trong thời gian dạy online với lý do, không dạy ngoài trời nên không được lĩnh. Xin hỏi, nhà trường làm như vậy có đúng không?

Trả lời :

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 3 Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao quy định: “Chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 1% mức lương tối thiểu chung cho 1 tiết giảng thực hành”.

Chế độ bồi dưỡng bằng tiền được chi trả cùng thời điểm chi trả tiền lương hằng tháng. Như vậy, chế độ bồi dưỡng được chi trả theo số tiết dạy thực hành thể dục thực tế mà giáo viên giảng dạy.

Hỏi: Hướng dẫn bổ nhiệm ngạch và xếp lương giáo viên tiểu học

Người hỏi Nguyễn Đức Dũng – Hà Nội

Cập nhật lúc: 29/11/2021 08:55

Chi tiết câu hỏi :

Tôi xin hỏi, giáo viên tiểu học hạng II, mã số V07.03.07, hệ số lương 3,66 trở xuống; đạt các tiêu chuẩn theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT thì khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương có được xếp là giáo viên tiểu học hạng II, hệ số lương 4,0 không? Nếu không thì được xếp như thế nào?

Trả lời :

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Việc bổ nhiệm và xếp lương giáo viên tiểu học thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.

Theo đó, giáo viên được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp nào thì áp dụng hệ số lương của loại viên chức tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp đó và việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Hỏi: Mỗi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có mục tiêu, đối tượng khác nhau

Người hỏi Bạc Thị Uyn – Sơn La

Cập nhật lúc: 23/11/2021 08:32

Chi tiết câu hỏi :

Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cấp năm 2013. Xin hỏi, chứng chỉ nghiệp vụ này còn hiệu lực không và có được dùng cho giáo viên cấp 1, 2, 3 không?

Trả lời :

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cơ sở giáo dục cấp cho người tham gia học tập và hoàn thành chương trình bồi dưỡng nào đó, mỗi chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có mục tiêu khác nhau, dành cho các đối tượng khác nhau.

Từ năm 2013 trở về trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm sau:

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12/4/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thay thế Quyết định số 61/2007/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng).

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy Tiếng Anh ở cấp tiểu học ban hành kèm theo Quyết định số 6042/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (dành cho giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học và người muốn trở thành giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học, đã hết hiệu lực kể từ ngày 22/5/2021).

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 40/2011/TT-BGDĐT ngày 16/9/2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo (dành cho những người đã được tuyển dụng làm giáo viên trung học phổ thông nhưng chưa qua đào tạo sư phạm, đã hết hiệu lực kể từ ngày 22/5/2021).

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 46/2012/TT-BGDĐT ngày 4/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tạm dừng kể từ ngày 27/3/2014 theo Quyết định số 1090/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và hết hiệu lực kể từ ngày 22/5/2021).

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trung cấp chuyên nghiệp bàn hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BGDĐT ngày 28/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thay thế Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 1 ban hành kèm theo Quyết định số 1672/TH-DN ngày 28/8/1992 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 2 ban hành kèm theo Quyết định số 2988/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giáo viên dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp).

Về hiệu lực, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cấp cho bà vẫn còn giá trị; tuy nhiên, thông tin bà cung cấp chưa nói rõ là loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nào, dành cho đối tượng giáo viên hay giảng viên, để có cơ sở xác định có được dùng cho giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông hay không.

Hỏi: Tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng II

Người hỏi Nguyễn Tuấn Minh – Hà Giang

Cập nhật lúc: 02/11/2021 08:09

Chi tiết câu hỏi :

Tôi là giáo viên tiểu học hạng II cũ, hệ số lương 3,98; đang giữ chức vụ phó hiệu trưởng. Theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập thì tôi đã đủ tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II. Tuy nhiên theo Điểm c Khoản 1 Điều 4 của Thông tư về nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II thì ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học. Tôi từng được Phòng Giáo dục và Đào tạo cử đi tập huấn các chương trình thay sách và nhiều chương trình khác, tham gia làm giám khảo các kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường, học sinh giỏi cấp huyện. Xin hỏi, như vậy có được coi là đã thực hiện nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học không? Hiện nay có nơi xét chuyển hạng cho giáo viên vô cùng khắt khe vì vận dụng Thông tư một cách máy móc, nơi lại khá thông thoáng, khiến không ít thầy cô giáo thiệt thòi. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Trả lời :

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do vậy, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng trường tiểu học giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này (nhà trường đó được giao nhiệm vụ đó, ví dụ: Tham gia đoàn kiểm tra chuyên môn, dạy đối chứng chuyên đề, tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi …) và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra tại Khoản 8 Điều 10 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT cũng đã quy định: “Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mà trường tiểu học công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan”.

 Nguồn ‘Cổng Thông tin điện tử Chính phủ’

Link: https://chinhsachonline.chinhphu.vn/Danh-sach-cau-hoi/pagetype2/Giao-duc-Dao-tao-Y-te/section15.vgp 

About Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top
error

Bạn thích blog này?. Xin vui lòng:

Follow by Email
YouTube
YouTube
Pinterest
LinkedIn
Telegram
FbMessenger
Secured By miniOrange