Chủ tịch nước: “Giàu lên vì đất nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều”

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong một buổi thảo luận tổ

Nhấn mạnh điều này khi thảo luận về Quy hoạch đất quốc gia, Chủ tịch nước đề nghị không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai.

Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai

Cho ý kiến về vấn đề Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu. “Nước ta “tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền”. Diện tích chỉ hơn 300.000 km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đất đai là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta”, Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, đất không sinh ra nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Xã hội hoá, tư nhân hoá, nhưng cái gì Nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi những đời sau thì phải quản lý. Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai.

“Vừa qua chuyện giàu lên vì đất rất nhiều nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp các ngành”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cho rằng việc dành đất cho kinh tế là quan trọng, song Chủ tịch nước lưu ý việc dành đất cho văn hoá và môi trường sống của người dân cũng rất cần thiết, cần phải có một quy hoạch đồng bộ. Ông tán thành việc giữ lại 3,5 triệu ha quy hoạch cho đất lúa. Cần tạo ra không gian, chính sách để sử dụng linh hoạt, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhắc đến việc cần thiết phải có 15 triệu ha trồng rừng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đạt độ bao phủ rừng 42-43%. Ông cũng đề nghị tiếp tục phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương với 6 triệu ha rừng để tạo ra môi trường sống hài hoà.

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao hướng dành đất cho phát triển công nghiệp. Những vùng sử dụng đất kém hiệu quả, vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên được thì nên quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ.

Về một số biện pháp cần thực hiện, Chủ tịch nước cho rằng ngoài chống tiêu cực, tham nhũng trong quy hoạch đất đai thì vấn đề cải cách hành chính cũng rất quan trọng khi thủ tục đất đai còn rất phiền hà. Ngoài ra, phải ứng dụng công nghệ, có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai rõ hơn, giống như cơ sở dữ liệu dân cư. “Những ứng dụng công nghệ phải được đặt ra mạnh mẽ hơn cho quá trình quản lý đất đai ở Việt Nam”, Chủ tịch nước nói.

Đất nông nghiệp cho chăn nuôi quá ít, cần chuẩn bị cho xu hướng dịch chuyển trong tương lai

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, tờ trình của Chính phủ đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, về một số chỉ tiêu cụ thể, đại biểu thấy rằng, trong báo cáo xác định cân đối đất lúa đã khá thuyết phục. Tuy nhiên, các cân đối khác vẫn còn mờ nhạt, cần phải làm rõ hơn, để phản ánh trong quy hoạch.

Theo đại biểu, cần xác định được số lượng và chất lượng tổng quỹ đất quốc gia theo từng vùng, phải xem cả tình hình xuống cấp như thế nào, bồi đắp ra sao, sa mạc hóa, xói lở, ngập, chìm… như thế nào, từ đó mới rõ sự tăng giảm thay đổi quy mô của lãnh thổ ra sao. Nếu chúng ta không xem xét kỹ đến những yếu tố này, có thể quy hoạch sẽ không chuẩn xác, từ đó khó có cái nhìn tổng quát và giải pháp trong quy hoạch một cách đầy đủ.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong phần đánh giá tiềm năng đất đai cho lĩnh vực nông nghiệp, cần phải làm nổi bật hơn nội dung đánh giá về việc khai thác biển và đánh bắt nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng ven biển gần bờ, quanh các hòn đảo lớn. Việt Nam là quốc gia có biển, vì vậy cần phải đánh giá kỹ hơn tiềm năng này.

Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, đất nông nghiệp sử dụng cho chăn nuôi hiện nay quy mô rất nhỏ so với quy hoạch quốc gia, trên bản đồ gần như không được thể hiện.

Đại biểu cho rằng, cần phải đề cập để có định hướng cho các quy hoạch của địa phương vì trong tương lai, nước ta sẽ có xu hướng chuyển dịch từ nền nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt là chính sang chăn nuôi là chủ yếu. Đây là kinh nghiệm của nhiều quốc gia, xu thế dịch chuyển của nông nghiệp sẽ như vậy nên cần quy hoạch đất cho khu vực chăn nuôi này. Vì nếu không quy hoạch sẽ khó có những giải pháp, cũng như có sự chuẩn bị tốt cho việc này.

Đại biểu cũng đề nghị cần phân tích sâu thêm các tác động của biến đổi khí hậu để thấy những tác động to lớn sẽ đe dọa tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước ra sao, đặc biệt là các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Trung Du, miền núi phía Bắc để có dự báo tốt và chuẩn bị quỹ đất trong quy hoạch tốt hơn.

Về dự báo xu thế biến động đất đai cả nước, đại biểu cho rằng, qua phân tích có thể thấy đất chưa sử dụng đã giảm rất mạnh và hầu như chúng ta cũng không còn quỹ đất dự trữ, vì vậy cần phải có phương án huy động nguồn lực đất để hình thành nguồn đất đai dự trữ quốc gia đủ lớn, có như vậy chúng ta mới có thể phát triển được kinh tế xã hội trong những giai đoạn tiếp theo được tốt hơn./.

Theo PV/VOV.VN


Từ nay đến năm 2030, dự kiến giảm gần 350.000 ha đất trồng lúa

About Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top
error

Bạn thích blog này?. Xin vui lòng:

Follow by Email
YouTube
YouTube
Pinterest
LinkedIn
Telegram
FbMessenger
Secured By miniOrange