Ý nghĩa lịch sử Đại thắng 30/4/1975

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trang sử chói lọi ấy đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta biến thành khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn từ các hướng tấn công dồn dập tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn.

Rạng sáng 29/4, Quân giải phóng đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.

10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Vào lúc 11 giờ 30 phút, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy.

Ý nghĩa lịch sử ngày 30/4/1975. Nguồn Tổng hợp

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và qua 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1 – Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Giai đoạn 2 – Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Giai đoạn 3 – Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.

Giai đoạn 4 – Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.

Giai đoạn 5 – Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Diễn biến:

Sau khi ký Hiệp định Paris (27/1/1973), mặc dù phải rút quân về nước nhưng Mỹ tiếp tục nuôi âm mưu dùng chính quyền ngụy Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền ngụy Sài Gòn để lấn đất, giành dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Paris của địch ngày càng tăng. Quân đội Sài Gòn điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng. Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định, cách mạng miền Nam muốn giành được thắng lợi vẫn là con đường bạo lực để giành chính quyền. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành những thắng lợi cơ bản. Ta càng mạnh lên, ngụy càng suy yếu rõ rệt. Tháng 7/1974, Trung ương Đảng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng trong năm 1975. Với những thắng lợi trên toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của chính quyền ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó có thể quay trở lại miền Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đã đề ra. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo, quân và dân ta đã toàn thắng, thu non sông về một mối.

Ý nghĩa lịch sử ngày 30/4/1975. Nguồn Tổng hợp

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Nguyên nhân thắng lợi:

Nguyên nhân của thắng lợi vĩ đại này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hai là, nhân dân và các lực lượng vũ trang đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ; lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh Mỹ và thắng Mỹ. Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và Campuchia; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới. 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đúc kết những kinh nghiệm quý báu. Đó là các bài học: Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam; phát huy sức mạnh thời đại; vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam; chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo, nắm bắt thời cơ giành những thắng lợi quyết định. Đồng thời, phải luôn luôn chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy năng lực lãnh đạo của Đảng. Phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, cường thịnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.”

TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Theo caphengaymoi KHT

Nguồn Tổng hợp

About Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top
error

Bạn thích blog này?. Xin vui lòng:

Follow by Email
YouTube
YouTube
Pinterest
LinkedIn
Telegram
FbMessenger
Secured By miniOrange